Hành trình thăm vùng “đất lửa” Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn

43

Quảng Trị được gọi vùng “đất lửa” bởi mỗi tấc đất, dòng sông, địa danh nơi đây đều ghi đậm dấu tích của một thời đạn bom; gánh chịu nhiều đau thương, hy sinh mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc, hủy diệt của chiến tranh

Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2024), thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Ngày 25/7/2024, Đài KSKL Phú Bài do đồng chí Phạm Phương Nam – Bí thư Chi bộ làm trưởng đoàn đã tổ chức thăm viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị, cùng các “địa chỉ đỏ”, nơi ghi dấu tích hào hùng của dân tộc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước như Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải và địa đạo Vịnh Mốc.

Cùng tham gia đoàn có các đồng chí đảng viên Chi bộ Đài KSKL Phú Bài, đại diện Ban chấp hành Công đoàn bộ phận cùng các đoàn viên thanh niên Chi đoàn.

Vượt qua chặng đường gần 120 km từ Huế để đến Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị trong cái nắng cháy da, cháy thịt của dải đất miền Trung nhưng ai nấy đều hăng hái. Tại đây, đoàn đã đến đặt vòng hoa, dâng hương Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn – Nơi yên nghỉ của gần 10.300 Anh hùng Liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, vì độc lập tự do của dân tộc.

Đoàn dành phút mặc niệm bày tỏ lòng tri ân sâu sắc trước sự hy sinh của các Anh hùng Liệt sỹ

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, đoàn đã dành phút mặc niệm bày tỏ lòng tri ân sâu sắc trước sự hy sinh của các Anh hùng liệt sỹ đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong “hành trình về nguồn” lần này, Đoàn còn ghé đến Di tích Lịch sử nổi tiếng “Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải”, đây là nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền và những sự kiện lịch sử gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong thời kỳ chống Mỹ.

Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Vĩ tuyến 17 là những cái tên quen thuộc đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, nay đã trở thành biểu tượng của niềm vui đoàn tụ, khát vọng hòa bình của thời đại.

Tiếp đó, Đoàn đến thăm một nơi được ví như lâu đài cổ trong lòng đất, là một trong những thành tựu kỹ thuật vĩ đại nhất của thế kỷ XX, nơi hàng trăm người dân vùng đất lửa sinh sống trong suốt hơn hai nghìn ngày đêm trong thời mưa bom bão đạn, đó là địa đạo Vịnh Mốc – Di tích Lịch sử văn hóa mang nhiều giá trị lịch sử, một công trình kỳ vĩ dưới lòng đất, nơi những con người anh hùng của vùng đất Vĩnh Linh sống và chiến đấu để giành độc lập cho Tổ quốc.

Cửa số 3 – một trong mười ba cửa vào ra địa đạo Vịnh Mốc

Mặc dù chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng ký ức một thời vang vọng nơi đây nhắc nhớ một thời kỳ oanh liệt của dân tộc Việt Nam.

Hành trình “Về nguồn” thật sự là một chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, đọng lại trong tâm trí mỗi cán bộ nhân viên của Đài KSKL Phú Bài những cảm xúc bùi ngùi, xúc động, giúp mọi người hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc và những mất mát, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước để chúng ta có cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay. Từ đó nỗ lực học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ công nhân viên, đặc biệt là đoàn viên thanh niên, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thách thức, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vì sự phát triển của đơn vị nói riêng và của toàn Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Nguyễn Hữu Ninh