Tầm quan trọng của Hệ thống quản lý rủi ro mệt mỏi

204

Nhằm nâng cao nhận thức của lực lượng Kiểm soát viên không lưu (KSVKL) về các quy định, trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức và KSVKL về các biện pháp giảm thiểu rủi ro mệt mỏi. Ngày 03 đến 04/4/2024, Công ty Quản lý bay miền Trung tổ chức khóa huấn luyện tuyên truyền, phổ biến cho toàn bộ lực lượng KSVKL tại các cơ sở điều hành bay trực thuộc Công ty.

Mệt mỏi là điều có thể xảy ra ở mọi ngành nghề. Tuy nhiên, trong công tác cung cấp dịch vụ điều hành bay (ATC), nơi yêu cầu dịch vụ 24/24 giờ, phải luôn duy trì đảm bảo an toàn bay, điều cần thiết là kiểm soát viên không lưu phải hiểu những rủi ro tiềm ẩn của sự mệt mỏi và biết họ có thể làm gì để quản lý những rủi ro này.

KSVKL tham gia Khóa huấn luyện về Quản lý rủi ro mệt mỏi

Hầu hết các kiểm soát viên không lưu đều làm việc theo ca và các khía cạnh của làm việc theo ca có thể làm tăng nguy cơ mệt mỏi. ATC yêu cầu hiệu suất con người luôn tốt. Khi kiểm soát viên trở nên mệt mỏi hơn, nguy cơ hiệu suất của họ bị suy giảm và cuối cùng là sự mệt mỏi có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng thực hiện nhiệm vụ của họ một cách an toàn.

Mệt mỏi trong người là việc hầu như ai cũng đã từng trải qua. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và cũng có nhiều phương pháp để lấy lại năng lượng, giảm mệt mỏi hiệu quả.

Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn của sự mệt mỏi và có thể chia thành ba loại chung:

  • Yếu tố lối sống;
  • Tình trạng sức khỏe thể chất;
  • Vấn đề sức khỏe tâm thần.

Một trong những phương pháp chính để quản lý sự mệt mỏi đối với người lao động là sử dụng phân công trực.

Tuy nhiên, phân công trực chủ yếu đề cập đến quy trình khai thác để đảm bảo đủ nhân viên có sẵn để hoàn thành các nhiệm vụ theo yêu cầu quy định. Sử dụng phân công trực thường được gọi là cách tiếp cận theo quy định vì các công ty phải tuân thủ các quy tắc được xác định trước do các cơ quan quản lý đặt ra.

Vấn đề với phương pháp này là các quy tắc này có thể không xem xét đầy đủ mức độ mệt mỏi thực tế và các biến thể mệt mỏi, và các mối nguy hiểm liên quan đến mệt mỏi thường chỉ được xác định sau khi xảy ra sự cố.

Việc bố trí phân công trực là một phần của Hệ thống Quản lý rủi ro mệt mỏi FRMS (Fatigue Rish Manegement System) là một quy trình chuyên biệt được thiết kế để chủ động quản lý các nguy cơ mệt mỏi, như hệ thống quản lý an toàn (SMS). Mục đích của FRMS là xác định và đánh giá các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến mệt mỏi trước và trong các hoạt động khai thác.

FRMS có thể bao gồm một số hoạt động, chẳng hạn như:

  • Đánh giá nguy cơ mệt mỏi;
  • Quản lý lịch làm việc;
  • Giáo dục và đào tạo;
  • Giao tiếp và hỗ trợ.

Việc thực hiện quản lý mệt mỏi cần phải dựa vào các Quy định đã được ban hành: Quyết định số 1292/QĐ-CHK ngày 23/6/2023 của Cục Hàng không Việt Nam về việc ban hành hướng dẫn về quản lý rủi ro mệt mỏi trong dịch vụ điều hành bay; Quyết định số 7166/QĐ-QLB ngày 28/12/2023 Ban hành Quy định quản lý rủi ro mệt mỏi cho Kiểm soát viên không lưu của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Quyết định 6275/QĐ-QLB ngày 29/11/2023 Ban hành Quy định về chế độ ca, kíp trực, bàn giao, nhận ca trực và công tác bình giảng sau ca trực tại các cơ sở điều hành bay của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Mệt mỏi là một mối nguy hiểm ảnh hưởng đến an toàn hoạt động bay. Việc quản lý rủi ro mệt mỏi được thực hiện tương tự như quá trình quản lý rủi ro an toàn, tuân thủ các nguyên tắc về quản lý an toàn.

 Các cơ sở điều hành bay và cơ quan an toàn sử dụng các phương pháp quản lý rủi ro an toàn, các quy trình, quy định thuộc Hệ thống quản lý an toàn hiện có của Tổng công ty để nhận diện mối nguy hiểm và thực hiện giảm thiểu rủi ro do mệt mỏi.

Nắm được trách nhiệm và quyền hạn của mình, KSVKL sẽ chủ động sắp xếp và sử dụng thời gian nghỉ ngơi hợp lý trước khi vào ca trực, đảm bảo điều hành những chuyến bay An toàn – Điều hòa – Hiệu quả.

Vũ Thanh Huyền.