Hành trình Về nguồn thăm những vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc

856

Nhân dip kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/03/1910 – 08/03/2024) và 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/03/1930-26/03/2024), Công đoàn và Đoàn cơ sở Công ty Quản lý bay miền Trung đã phối hợp tổ chức chương trình Về nguồn, chương trình có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Mạnh Thắng – Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công ty, cùng hơn 30 cán bộ, nhân viên là công đoàn viên, đoàn viên thanh niên của Công ty Quản lý bay miền Trung.

Bắt đầu hành trình, đoàn xuất phát từ Quận Long Biên, thủ đô Hà Nội và di chuyển bằng ô tô dọc theo Quốc lộ 1A để đến tỉnh Cao Bằng với hành trình hơn 300km qua tỉnh Lạng Sơn. Dọc theo cung đường này, đoàn có cơ hội được trải nghiệm các cung đường đèo nổi tiếng của vùng rừng núi Đông Bắc như đèo Dài, đèo Bông Lau, đèo Đông Khê với tổng cộng hơn 60km đèo dốc…

Đoàn chụp ảnh lưu niệm trước Thác Bản Giốc – Cao Bằng thiêng liêng, hùng vĩ

Ngày thứ hai của hành trình Về nguồn, đoàn vượt thêm 100km qua các đèo Mã Phục, Khâu Liêu, đèo Cây, qua huyện lỵ Trùng Khánh và ngược về xã Đàm Thủy. Thác Bản Giốc hiện ra ngỡ ngàng trong vẻ đẹp nguyên sơ giữa núi rừng Việt Bắc và cột mốc số 836 (số 2). Tọạ lạc tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, thác Bản Giốc mang vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, cảnh đẹp hữu tình, đây là một trong ba thác nước tự nhiên ba tầng đẹp nhất Đông Nam Á. Từ năm 1922, thác Bản Giốc đã được miêu tả trong tư liệu của Sở Địa chất Đông Dương “Là một vùng đẹp nhất của Tonkin (tức miền Bắc), nếu không vì xa xôi và phương tiện lưu thông khó khăn nó rất xứng đáng để du khách đến thăm viếng với những hang động, những cây cầu chữ Z bắc lên những tảng đá băng qua sông, và nhất là cái thác hùng vĩ, gọi là thác bậc thềm có tên Tu Tong (Tụ Tổng) được người châu Âu biết đến nhiều qua tên thác Bản Giốc”. Khó có thể kể hết tâm lực và cả máu xương mà người lính biên phòng và nhân dân miền non nước Cao Bằng đã đổ xuống để bảo vệ và gìn giữ tặng vật mà thiên nhiên đã ban cho miền đất này. Đối diện với dòng thác đang tung bọt ngang trời kia, cả đoàn thật sự xúc động với một cảm xúc dâng trào. Đó chính là xúc cảm chủ quyền, là cảm thức đất mẹ, một cảm thức vừa thiêng liêng như tình mẫu tử, vừa đau đáu nỗi dấu yêu với tấc núi, tấc sông trong di huấn tiền nhân!

Cột mốc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc

Tại thác Bản Giốc, đoàn được thăm Cột mốc 836 đã cắm cả hai phía thác, bên phía Việt Nam là mốc 836 (2), về phía Trung Quốc là mốc 836 (1). Đường biên giới đã phân định đi từ cột mốc 835 trên cồn Pò Thoong chạy xuống điểm giữa của mặt thác chính, rồi chạy dọc theo dòng chảy sâu nhất của sông Quây Sơn. Phía Việt Nam sở hữu phần thác phụ và một nửa thác chính, phía Trung Quốc sở hữu một nửa thác chính phía bờ bắc sông Quây Sơn. Cả mặt sông phía chân thác thành khu vực khai thác du lịch chung, khách từ Việt Nam hay từ Trung Quốc đều có thể lên bè, lênh đênh trên dòng Quây Sơn để ngắm thác từ nhiều góc độ…

Đoàn chụp hình lưu niệm tại cột mốc Biên giới 836 (số 2)

Cây Kim Giao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng tại hang Pác Bó

Tiếp tục hành trình đoàn vượt hơn 140km để đến thăm khu di tích lịch sử Hang Pác Bó, thuộc xã Trường Hà, Huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Theo tiếng dân tộc Tày – Nùng thì nơi Pác Bó có nghĩa là “đầu nguồn”. Nơi gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của Bác, nơi Bác về nước sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài. Bác sống và làm việc tại Hang Pác Bó hơn 10 ngày từ ngày 08/02/1941, sau đó vì lý do sức khỏe Bác đã chuyển sang Lán Khuổi Nậm. Đây là nơi Bác Hồ chọn làm căn cứ lãnh đạo cách mạng và là nơi có dấu ấn quan trọng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Trải qua thời gian, nơi đây vẫn lưu giữ gần như nguyên vẹn những chứng tích và dấu ấn của cách mạng và của Hồ Chủ tịch. Tại đây đoàn cũng thăm điểm đầu của đường Hồ Chí Minh: Km 0, được xây dựng vào năm 2014, cột mốc được đặt ở vị trí thiêng liêng, nơi Bác Hồ đã đặt những bước chân đầu tiên trên con đường cách mạng Việt Nam, nơi khởi nguồn của phong trào Việt Nam, nơi Bác Hồ đã đưa đất nước thoát khỏi cảnh áp bức nô lệ, giành được độc lập và thống nhất đất nước.

Cũng tại quần thể di tích Hang Pác Bó, đoàn được thăm Suối Lê-nin. Con suối xưa kia được dân bản gọi là suối Khuổi Giàng, theo tiếng Tày có nghĩa là suối trời, nhưng vào năm 1941, sau khi về nước chọn Hang Pác Bó ở và làm việc thì Bác đã đặt tên cho con suối này là Suối Lê-nin. Mặc dù trải qua dòng chảy thời gian lâu dài, dòng suối này vẫn giữ được nét đẹp nguyên vẹn và trong xanh của mình. Cả đoàn tham quan đều có thể cảm nhận được nơi mà Bác từng sinh sống, chứng kiến những khung cảnh mà Người đã từng gắn bó trong thời kháng chiến.

Ngày cuối của hành trình, đoàn đã khởi hành về Bắc Kạn, và ghé thăm Hồ Ba Bể, đây là một trong hai mươi hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới (xếp hạng bởi UNESCO), là địa danh nổi tiếng thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch tham quan mỗi năm. Người dân gọi Hồ Ba Bể là trái tim xanh của Vườn quốc gia Ba Bể bởi vai trò điều tiết nguồn nước cho những khu vực xung quanh.

Hành trình Về nguồn đã mang lại nhiều kỷ niệm và cảm xúc khó quên đối với mỗi thành viên trong đoàn. Mỗi thành viên đều cảm nhận rõ rệt từng hơi thở cách mạng qua mỗi điểm di tích, sự hùng vĩ của thiên nhiên Việt Nam. Được chứng kiến những kỷ vật, dấu ấn về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là lưu giữ một miền nhớ, miền thương để mỗi người con đất Việt thấy gắn bó, yêu thương hơn với mảnh đất này, tự hào về sự hùng vĩ của Đất Nước Việt Nam giàu đẹp, trường tồn và trân trọng hơn những giá trị nhân văn, cao đẹp Người để lại cho thế hệ mai sau, điều ấy khiến các thành viên trong đoàn càng thêm yêu thương và kính trọng Bác, Người đã suốt đời cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc.

Cả đoàn chụp hình lưu niệm tại Km0, đường Hồ Chí Minh

Bên suối Lenin, hang Pác Bó.

Đinh Ngọc