Xin một lần nữa lật lại trang sử vàng dân tộc, ôn chiến tích của Đại vương Ngô Quyền, Hoàng đế Lê Đại Hành và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn; những danh tướng làm rạng danh non sông, đất nước bởi các trận thủy chiến làm kẻ thù hồn phiêu phách lạc, đánh dấu đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Di tích lịch sử Bạch Đàng Giang, nơi thờ ba danh tướng có chiến công hiển hách trên sông Bạch Đằng
Năm 938, tại vùng cửa sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã huy động hàng ngàn binh sĩ và nhân dân địa phương xây dựng trận địa cọc để đón đánh quân xâm lược. Hơn ba nghìn cây gỗ được vót nhọn, bịt sắt rồi đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm, khi thuỷ triều lên, bãi cọc không bị lộ. Đúng lúc nước triều đang dâng cao, Ngô Quyền cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, nhử địch đuổi theo vượt qua bãi cọc lọt vào trận địa mai phục của ta. Khi đoàn thuyền của địch vượt qua vùng cửa biển, nước triều rút mạnh, quân ta quay lại phản công quyết liệt. Trận địa cọc nhô lên chặn đứng đoàn thuyền giặc, nhiều chiếc bị cọc gỗ đâm thủng, va vào nhau rồi chìm xuống dòng sông. Đội thủy quân xâm lược của Nam Hán đã vĩnh viễn bị nhấn chìm xuống dòng sông Bạch Đằng lịch sử.
Trận thủy chiến thứ hai tại Bạch Đằng giang diễn ra trong giai đoạn chiến tranh Tống – Việt năm 981 vinh danh nhà cầm quân tài ba là Hoàng đế Lê Đại Hành. Ông chọn một khúc sông hiểm yếu tại Bạch Đằng Giang rồi bố trí quân mai phục chờ sẵn. Ngày 28/4/981, Lê Đại Hành đã cho một cánh quân ra khiêu chiến với quân Tống rồi vờ “thua chạy”. Quân Tống đuổi theo, lọt vào trận địa mai phục và bị hủy diệt gần như toàn bộ. Sau thất bại của đạo quân thủy, quân bộ của nước Tống hoảng sợ bỏ chạy về nước, bị truy kích và tiêu diệt quá nửa. Sau cuộc chiến tranh này, nhà Tống đã phải thừa nhận Lê Đại Hành là người cai trị đất nước Đại Cồ Việt.
Bẫy quân thù trên sông Bạch Đằng của quân dân Đại Việt
Năm 1287, nhà Nguyên mở đầu cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ ba. Vào tháng 3/1288, đạo quân thủy của kẻ xâm lược do Ô Mã Nhi thống lĩnh rút qua ngả sông Bạch Đằng, nơi đã diễn ra chiến thắng lịch sử bằng trận địa cọc gỗ của Ngô Quyền trước quân Nam Hán năm 938. Hưng Đạo Vương nghiên cứu kỹ lưỡng quy luật thủy triều của sông Bạch Đằng để vạch ra thế trận cọc và bố trí mai phục quân Nguyên. Trận đánh mở đầu bằng những đòn nhử của thủy quân Đại Việt. Quân Nguyên tiến hành truy kích và rơi vào bãi cọc lúc nào không hay. Khi nước triều rút, thảm họa đã ập xuống đầu quân xâm lược. Những con thuyền lớn của phương Bắc bị dồn ứ, tan vỡ khi va vào những chiếc cọc nhọn hoắt, trong khi quân mai phục của Đại Việt tràn ra từ hai bên bờ với khí thế ngút trời. Quân Nguyên thảm bại, mất 4 vạn quân, 400 chiến thuyền và nhiều tướng lĩnh chủ chốt bị bắt sống. Trận thắng trên sông Bạch Đằng của quân và dân nhà Trần dẫn đến thắng lợi hoàn toàn của Đại Việt trong cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông lần thứ ba.
Đoàn học viên lớp Bồi dưỡng cán bộ tham mưu, giúp việc cấp ủy trong Đảng bộ Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam dâng hương tại khu di tích lịch sử Bạch Đằng giang
Ba trận thủy chiến của tiền nhân không chỉ đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn vang danh nơi hải ngoại bằng lời đáp trả đanh thép của sứ thần Giang Văn Minh khi đứng giữa triều đình nhà Minh “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ ngàn xưa máu vẫn còn đỏ) khi vua Minh có ý sỉ nhục sứ thần nước Việt bằng vế đối “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng đến nay đã phủ rêu phong). Với khí phách anh hùng và lòng tự hào dân tộc, Thám hoa Giang Văn Minh làm vua Sùng Trinh xấu hổ đến mức ra lệnh mổ bụng giết chết sứ thần bất chấp cả luật lệ bang giao. Tuy nhiên, tiếng nói của ông cũng đã rúng động cả triều đình nhà Minh, làm lũ quan quân vốn coi thường nước Việt bé nhỏ khiếp sợ.
Cùng theo chiều dài lịch sử đất nước, Đảng đã lãnh đạo toàn dân thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, xây dựng tổ quốc ngày càng hùng mạnh, tạo được vị thế quan trọng trên chính trường quốc tế. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, dân tộc hùng cường, nhân dân ấm no, hạnh phúc; đề ra mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên trong thời gian qua tình hình chính trị, xã hội trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp; các thành trì xã hội chủ nghĩa liên tục bị chống phá, công kích và có lúc từng bước bị “diễn biến hòa bình” trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế, văn hóa. So với những giai đoạn trước đây, thực tiễn trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, lực lượng tham gia xây dựng đất nước là thế hệ trẻ chưa trải qua thời kỳ đấu tranh dành độc lập dân tộc, đa số chưa thực hiểu sâu sắc về lịch sử đất nước, bị ảnh hưởng văn hóa ngoại lai và có một số ít cá nhân có tư tưởng hưởng thụ vật chất nên đã đã đặt ra những yêu cầu mới cho nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm không của riêng ai (Nguồn Internet)
Để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới theo Nghị quyết 35-NQ/TW, toàn quân và dân, đặc biệt là tầng lớp trí thức cần phải phát triển công tác lý luận, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định và cụ thể hóa đường lối; và các hoạt động truyền bá lý luận, đưa lý luận và cuộc sống, nhằm nâng cao trình độ lý luận, giác ngộ chính trị, xây dựng phương pháp tư duy khoa học cho nhân dân. Đây là mặt công tác quan trọng hàng đầu trong công tác tư tưởng, giữ vai trò quyết định trên mặt trận tư tưởng, là lá chắn, là mũi nhọn đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn, mọi luận điểm sai trái, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch.
Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, công tác lý luận là một nội dung trọng yếu, nhân tố quan trọng hàng đầu tạo nên sự thống nhất, đoàn kết trong Đảng. Công tác lý luận góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giúp bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên lực lượng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, tư tưởng, trí tuệ, văn hóa và đạo đức. Lý luận chính là bộ khung, là xương sống để cán bộ, đảng viên và toàn dân dựa vào khi đứng trước nhiều luồng thông tin trái chiều; giúp cán bộ, đảng viên thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để đủ năng lực, phẩm chất thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Bãi cọc nhọn Bạch Đằng giang trong chiến thuật quân sự hay rừng bút sắc bén của toàn dân bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đều thể hiện tinh thần của dân tộc Việt trước họa ngoại xâm. Chúng ta cần phải hy sinh xương máu, nỗ lực cống hiến trí tuệ trong đấu tranh giữ từng tất đất Tổ quốc và củng cố, giữ vững hệ tư tưởng của Đảng mà ông cha đã dày công gầy dựng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Đỗ Nguyên Hùng