Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 có ý nghĩa quan trọng với toàn dân Việt Nam. Đây là dịp thể hiện truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với các chiến sĩ đã hy sinh vì nền độc lập và tự do dân tộc, thống nhất đất nước. Vào ngày 27/7 hằng năm, nhiều hoạt động tri ân và tôn vinh các anh hùng liệt sĩ diễn ra trên khắp cả nước. Những hành động này mang ý nghĩa tôn vinh người có công với cách mạng, khẳng định sự cống hiến, hy sinh của các chiến sĩ là vô giá.
Thấm nhuần ý nghĩa của dịp kỷ niệm, Công đoàn bộ phận và đơn vị Đài Kiểm soát không lưu (KSKL) Phù Cát phối hợp tổ chức chương trình “Thắp mãi ngọn lửa tuổi hai mươi”, tổ chức chuyến viếng thăm các địa diểm như: thăm khu lưu niệm, khu di tích của Anh hùng Liệt sĩ- Bác sĩ Đặng Thùy Trâm tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi; viếng thăm Di tích lịch sử cứ điểm Đồi 10 và dâng hương Nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Chương trình “Thắp mãi ngọn lửa tuổi hai mươi” là hoạt động có ý nghĩa chính trị sâu sắc, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, lịch sử hào hùng đầy vẻ vang của dân tộc; góp phần hun đúc bản lĩnh cho thế hệ trẻ sống có trách nhiệm và cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội, cho đất nước.
Hành trình Về nguồn “Thắp mãi ngọn lửa tuổi hai mươi” của Đài KSKL Phù Cát
Di tích chiến thắng Đồi 10, còn gọi là gò Màng Thang, thuộc thôn Gia An, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn. Cuối năm 1964 đầu 1965, Mỹ – ngụy chiếm hai ngọn đồi này xây dựng thành chốt điểm, trên bản đồ chúng đặt tên là Đồi 9 và Đồi 10, di tích gọi chung là “Đồi 10”. Nơi đây là một chứng tích lịch sử – lưu niệm những sự kiện, ghi nhận những chiến công cùng sự hy sinh xương máu của 1.344 đồng chí, đồng bào 2 xã Hoài Châu, Hoài Châu Bắc và của những chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 409 Quân khu 5, Sư đoàn 3 anh hùng. Ngày 31-3-2006, Di tích Đồi 10 được Bộ Văn hóa – Thông tin ra quyết định xếp hạng Di tích cấp Quốc gia trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần cách mạng quật cường của nhân dân Hoài Nhơn anh hùng.
Thăm và ôn lại chiến thắng lịch sử Đồi Mười thuộc thôn Gia An, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn- Tỉnh Bình Định
Đoàn đã tổ chức thăm, dâng hương, dâng hoa Đền thờ Liệt sĩ thị xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn. Tại đây quy tập gần 1.500 phần mộ liệt sĩ được quy tập về an nghỉ dưới chân Đồi Mười, nơi khắc ghi chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn đặc công cơ động 409 Quân khu 5, cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích. Đền thờ liệt sĩ huyện Hoài Châu Bắc có ý nghĩa lịch sử quan trọng nhằm tri ân, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng, những đóng góp to lớn của các Mẹ Việt Nam vì nền độc lập tự do của đất nước.
Dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Liệt sĩ thị xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn- Bình Định
Chặng tiếp theo của hành trình, cả đoàn di chuyển đến thăm Di tích lưu niệm anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Khu di tích bao gồm các điểm di tích liên quan đến hoạt động của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm trong việc cứu chữa và điều trị cho thương binh và Nhân dân ở chiến trường Đức Phổ từ năm 1967 đến năm 1970, và nơi bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đã hy sinh anh dũng ngày 22/6/1970. Để ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, ngày 20/2/2006, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Di tích lưu niệm Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2011, di tích không những có giá trị giáo dục mà còn có ý nghĩa bồi dưỡng truyền thống cách mạng cho lớp lớp thanh niên Việt Nam. Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm là một tấm gương tiêu biểu cho thế hệ thanh niên Việt Nam sống, chiến đấu, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc ta.
Qua các hoạt động dâng hương, tham quan và tìm hiểu lịch sử tại những di tích đầy ý nghĩa trong chuyến đi Về nguồn, mỗi cán bộ, nhân viên Đài KSKL Phù Cát đã được khơi dậy lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc, phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Từ đó, càng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước trong giai đoạn hiện nay, quyết tâm không ngừng rèn luyện, phấn đấu nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, năng lực công tác, đóng góp vào công cuộc phát triển của đất nước.
Lương Nguyễn Ngọc An