Trạm Radar Sơn Trà- Góc tiếp cận mới

490

Sơn Trà từ lâu đã được biết đến là địa điểm du lịch không thể thiếu của Thành phố Đà Nẵng dành cho du khách trong hành trình khám phá thành phố biển xinh đẹp. Đến với Sơn Trà, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, tìm hiểu về lịch sử và khám phá các loài động thực vật phong phú. Tuy nhiên nơi đây còn là nơi đặt hai trạm RADAR của Công ty Quản lý bay miền Trung- được ví von là “Mắt thần Đông Dương”.

Thực hiện chương trình huấn luyện năng định lần đầu cho Kiểm soát viên không lưu năm 2022, được sự đồng ý của Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Trung. Ngày 02/8/2022, tập thể Lớp Không lưu 2/2022 đã được tạo điều kiện đi thăm quan thực tế Trạm RADAR Sơn Trà 1 và 2 với sự hỗ trợ của Huấn luyện viên Phòng Không lưu. Chuyến đi thực tế đã giúp các học viên hiểu rõ hơn về các trang thiết bị và công tác vận hành bảo dưỡng tại 2 trạm RADAR.

Trạm RADAR Sơn Trà 1 và 2 đóng vai trò rất quan trọng trong công tác điều hành bay; góp phần đảm bảo tiêu chí An toàn, Điều hòa, Hiệu quả của Công ty Quản lý bay miền Trung nói riêng và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nói chung. Đồng thời 2 trạm RADAR này cũng góp phần trong công tác giám sát, quản lý vùng trời, bảo đảm việc bảo vệ vững chắc an ninh chủ quyền của Tổ quốc.

Được đưa vào hoạt động từ ngày 08/12/1994, trạm RADAR Sơn Trà 1 là một trong những công trình trọng điểm được xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm chuẩn bị cơ sở vật chất và hạ tầng hiện đại cho việc giành lại, tiếp quản điều hành FIR Hồ Chí Minh. Radar sơ cấp, thứ cấp Trạm Sơn Trà 1 sử dụng công nghệ của Hãng Thomson CFS: Radar sơ cấp sử dụng công nghệ phát xung, phân tập tần số, Radar thứ cấp sử dụng công nghệ Monopulse, cùng với hệ thống xử lý mục tiêu hiện đại. Sau khi khánh thành, trạm Radar Sơn Trà 1 là một trong những trạm Radar hiện đại nhất thời bấy giờ.

Cùng với sự phát triển của công nghệ hàng không và đáp ứng sự tăng trưởng nhanh chóng của vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế, cùng với đó, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đã đầu tư xây dựng Trạm Radar Sơn Trà 2, khánh thành và đưa vào hoạt động vào ngày 31/7/2016. Thiết bị của Trạm thứ hai tại Sơn Trà và hệ thống xử lý dữ liệu radar tại Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận – Tại sân Đà Nẵng do Hãng Indra Sistermas, SA – Cộng hòa Tây Ban Nha cung cấp, với Radar sơ cấp sử dụng công nghệ phát xung CPI, thu xử lý bằng máy tính và Radar thứ cấp sử dụng công nghệ Mode S hiện đại.

Sau khi khánh thành, Trạm Radar Sơn Trà 2 là một trong những trạm Radar ModeS hiện đại nhất Việt Nam. Với bán kính giám sát lên tới 450km (250NM) đối với radar thứ cấp và 150km (80NM) đối với radar sơ cấp; tín hiệu từ Trạm radar Sơn Trà thứ hai còn được kết nối, tích hợp với hệ thống xử lý dữ liệu giám sát của các Trung tâm kiểm soát không lưu tại Hà Nội, Hồ Chí Minh và hệ thống xử lý dữ liệu radar tại Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận – Tại sân Đà Nẵng; tích hợp tín hiệu với các trạm radar: Sơn Trà thứ nhất, Vinh, Quy Nhơn để cung cấp tín hiệu có độ tin cậy, ổn định và tính dự phòng cao nhằm hỗ trợ, tăng cường vững chắc hơn cho việc giám sát, điều hành các tàu bay đi, đến và bay qua trong vùng trời trách nhiệm của Việt Nam, tăng cường khả năng giám sát, hỗ trợ dẫn dắt tàu bay cất, hạ cánh tại các sân bay Phú Bài, Chu Lai và có khả năng cảnh báo xung đột ngắn hạn; cảnh báo vi phạm độ cao an toàn tối thiểu; cảnh báo vi phạm vùng cấm, vùng hạn chế, từ đó nâng cao năng lực điều hành cho Kiểm soát viên không lưu.

Qua chuyến đi, các học viên đã có cơ hội được lắng nghe giáo viên hướng dẫn, các cán bộ trực tại hai trạm RADAR giới thiệu các trang thiết bị máy móc mà tập thể Lớp đã được các huấn luyện viên CNS phổ biến trong giờ lý thuyết cũng như chia sẻ những khó khăn, những kỷ niệm khó quên đặc biệt là trong những lần ứng phó với các trận bão lớn khi làm việc và công tác tại hai trạm RADAR.

Để đảm bảo việc cung cấp dữ liệu giám sát ổn định, liên tục, chính xác, kịp thời cho công tác điều hành bay, các Kỹ sư và Nhân viên kỹ thuật đã túc trực liên tục xử lý các sự cố, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống RADAR các thiết bị phụ trợ đi kèm. Hằng năm, theo kế hoạch Trạm Radar Sơn Trà 1 và 2 đều phải thực hiện công tác bảo dưỡng, hiệu chỉnh thông số toàn diện cho tất cả các thiết bị theo quy định của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Cục Hàng không Việt Nam.

Sau chuyến đi tham quan trải nghiệm thực tế bổ ích và đầy hứng khởi, tập thể các học viên Kiểm soát vien không lưu mới đã có thêm cái nhìn khái quát về trạm RADAR nói chung và các trang thiết bị liên quan nói riêng phục vụ cho công tác điều hành bay, cũng như hiểu được những khó khăn vất vả của các Nhân viên kỹ thuật làm việc tại đây, những con người vẫn ngày đêm âm thầm cống hiến tại 2 trạm RADAR Sơn Trà – “Mắt thần Đông Dương”.

Một số hình ảnh Lớp Không lưu 2/2022 ghi lại tại Trạm Radar Sơn Trà 1 và 2:

Cung đường lên trạm RADAR Sơn Trà

Hệ thống trang thiết bị tại trạm RADAR Sơn Trà 1

Cận cảnh anten của trạm RADAR Sơn Trà 1

 

Các kỹ sư tại Trạm radar Sơn Trà 2 hướng dẫn cho học viên và thực hiện nhiệm vụ tại Trạm

Cán bộ Kíp trực tại trạm RADAR Sơn Trà 2

Lớp Không lưu 2/2022 chụp ảnh lưu niệm tại Trạm Radar Sơn Trà 2

Phòng Không lưu