“BÃO”- là từ khoá luôn mang đến nỗi ám ảnh và tang thương đối với dải đất miền Trung Việt Nam, và với chúng tôi- những con người trực Kỹ thuật tại Trạm Radar trên đỉnh núi Sơn Trà thì chống bão là một nhiệm vụ sống còn. Các thế hệ nhân viên làm việc tại đây đã trải qua rất nhiều các trận siêu bão Chanchu, Xangsane,… Sau những thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, những cuộc chạy đua từng giây từng phút với những cơn bão để đảm bảo liên lạc không gián đoạn và giải trợ thông tin phục vụ công tác điều hành bay đã giúp chúng tôi đúc kết thành kinh nghiệm được thui rèn qua những cuộc chiến chống bão.
Những hình ảnh quả cầu Radar tại Trạm Radar Sơn Trà đã bị xé nát, thổi bay và nhiều anten bị quật gãy bởi Siêu bão Xangsane năm 2006
2 ngày trước khi bão đổ bộ – Công tác phòng chống bão
Trước các thông tin được các phương tiện Báo, Đài liên tục cảnh báo về mức độ nguy hiểm của siêu bão Noru, những thiệt hại nặng nề tại các quốc gia nó quét qua. Trước tình hình đó Ban chỉ huy PCTT&TKCN Công ty Quản lý bay miền Trung cùng Ban lãnh đạo Công ty, lãnh đạo Đội Radar Sơn Trà đã quan tâm chỉ đạo sát sao, hỗ trợ kịp thời cho các kíp trực tại trạm Radar Sơn Trà cả về nhân lực và tài lực, 2 kíp trực đã nhanh chóng được bổ sung cho lực lượng trực bão, lãnh đạo Đội cũng đã trực tiếp tham gia ứng trực tại Trạm nhằm hỗ trợ tốt nhất cho cuộc chiến chống bão.
Ngay chiều ngày 27/9/2022, các nhân viên kíp trực hỗ trợ sau khi tạm gác lại công việc chống bão tại gia đình đã có mặt tại Trạm với tinh thần quyết tâm cao nhất, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện công tác chèn, chống, khơi thông các đường thoát nước, đảm bảo các công tác phòng, chống ứng phó với bão một cách tốt nhất.
Kíp trực khẩn trương thực hiện chèn, chống, gia cố cẩn thận các trang thiết bị, cửa và mái tôn
Đêm 27/9 siêu bão Noru đổ bộ Đà Nẵng- Căng mình chống bão
Trên đỉnh cao Sơn Trà, ngay đầu cửa biển, cấp gió luôn luôn cao hơn rất nhiều so với thành phố. Ngay từ chiều tối ngày 27/9, những cơn gió đã thổi mạnh liên hồi, cành cây, mái tôn khu vực Đài đã bắt đầu rung đập, oằn mình trong gió. Tất cả các nhân viên Đội phải tập trung quan sát liên tục vào màn hình camera tổng quan tại Trạm cũng như các thiết bị thông tin liên lạc, đề phòng sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Đến khoảng 03h00 đêm 27/9/2022, bão chính thức đổ bộ vào tâm bão Đà Nẵng, không khí tại phòng trực vô cùng căng thẳng, mặc dù đã có kinh nghiệm chống bão qua nhiều năm nhưng khi gặp siêu bão thì bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra, vì vậy, các cán bộ nhân viên kíp trực không một phút giây lơ là, chủ quan.
Với sức gió mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 14 khi đổ bộ vào bờ, những mái tôn với tuổi đời hơn chục năm đã bị thổi tung, tường gạch bị giật đổ, và một lần nữa Anten VHF không thể chống chịu cũng đã bị quật gãy. Các nhân viên trực nhanh chóng đánh giá sơ bộ hư hại ảnh hưởng thiết bị, tìm cách giải trợ thông tin một cách nhanh nhất và may mắn đã không có sự cố nghiêm trọng nào xảy ra làm gián đoạn hay ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.
Sau một đêm trắng, đến rạng sáng khi cơn bão đi qua, tuy mệt mỏi nhưng tất cả các cán bộ, nhân viên vẫn rất tập trung, tỉnh táo, kiểm tra toàn bộ Trạm và tất cả các thiết bị cơ sở vật chất, đồng thời bắt tay ngay vào công việc khắc phục các sự cố.
Các công trình lâu năm không chống chịu được sức gió cực mạnh
Chiều 28/9, đồng chí Đoàn Hữu Gia- Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cùng lãnh đạo Công ty Quản lý bay miền Trung đã kịp thời đến thăm và động viên kíp trực tại Trạm Radar Sơn Trà, kiểm tra mức độ ảnh hưởng của bão, qua đánh giá sơ bộ, Đội Radar Sơn Trà đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống bão, không có thiệt hại nghiêm trọng về người và thiết bị.
Bão Noru là cơn bão lớn, đạt đỉnh triều cường và đổ bộ vào ban đêm, gây rất nhiều khó khăn trong công tác phòng chống. Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm của các cán bộ, nhân viên kíp trực, sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo các cấp, Đội radar Sơn Trà đã một lần nữa chiến thắng “BÃO”!
Một số hình ảnh kíp trực khắc phục sự cố sau bão Noru:
Lương Phú Nghĩa