Nhằm cập nhật, thiết lập cơ sở dữ liệu mới và xây dựng kịch bản các bài tập đảm bảo cho công tác huấn luyện, đánh giá kiểm soát viên không lưu. Ngày 30/12/2020, Giám đốc Công ty đã ra Quyết định số 3479/QĐ-QLBMT, thành lập Tổ xây dựng Cơ sở dữ liệu cho hệ thống ScanSim. Đây là bước tiền đề trong công cuộc hoàn thiện hệ thống thực hành bay giả định tại Công ty Quản lý bay miền Trung.
Hiện nay, tại phòng thực hành bay giả định, Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận – Tại sân Đà Nẵng đang sử dụng phần mềm Scansim và Maxsim trong huấn luyện và đánh giá Kiểm soát viên không lưu. Trong đó, phần mềm ScanSim đang đảm nhận mô phỏng vị trí Tower được đưa vào sử dụng từ năm 2000, Maxsim mô phỏng vị trí APP/CTL Radar và được đưa vào sử dụng từ năm 2017 cho đến nay. Sau một thời gian dài hệ thống ScanSim không được cập nhập cơ sở dữ liệu mới, cùng với sự thay đổi đáng kể của thực tế phương thức bay, đường bay, sơ đồ sân bay Đà Nẵng,… các bài tập thực hành trên hệ thống Scansim đã không còn sát với thực tế. Do đó, nhu cầu cập nhật, xây dựng lại cơ sở dữ liệu cho hệ thống ScanSim trở nên cấp thiết và quan trọng nhằm đảm bảo tính chính xác và hiệu quả trong công tác huấn luyện và đánh giá.
Trải qua 3 giai đoạn thực hiện trong vòng hơn 6 tháng, Tổ xây dựng Cơ sở dữ liệu phối hợp với nhóm chuyên gia cập nhật số liệu đầy đủ theo tài liệu AIP mới nhất, hạn chế tối đa các lỗi có thể phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống. Bước đầu, Tổ xây dựng Cơ sở dữ liệu đã khắc phục được hầu hết nội dung cơ bản như: Cập nhật tên gọi đường lăn và 35 bến đỗ hàng không dân dụng của sân bay Đà Nẵng, bổ sung hệ thống xe cộ trong khu bay bao gồm xe sân đường, cứu hỏa, xe cứu thương,…Bổ sung hệ thống phương thức tiêu chuẩn cất/hạ cánh bằng thiết bị (SID/STAR), cập nhật đầy đủ các lộ điểm (Way-point) trên các đường bay RNAV5 như MUNGA, BANSU, DADEN, LATOM, PATNO, SADIN…, các điểm nằm ngoài khu vực trách nhiệm của tiếp cận như NIVEN, BMT, VILAO, DONGI, XONUS,… và các không vực hoạt động của SU-22 và Mi-17. Ngoài ra, Tổ xây dựng đã thiết kế lại hệ thống bài tập phù hợp với năng lực kiểm soát viên không lưu, nâng cao khả năng xử lý các tình huống bất thường theo tình hình thực tế. Đồng thời, cập nhập tên gọi tàu bay mới và loại bỏ những hãng hàng không không còn hoạt động.
Những cập nhập bổ sung trên đem đến những thay đổi căn bản nhằm đưa bài tập của hệ thống Scansim đến gần hơn với thực tế. Hệ thống Scansim không chỉ phục vụ cho việc kiểm tra, đánh giá năng lực kiểm soát viên không lưu qua các kỳ thi mà còn là nơi đào tạo nuôi dưỡng thế hệ kiểm soát viên không lưu tương lai. Do đó, yêu cầu tính chính xác và tính thực tế của của mô hình sơ đồ sân bay trong hệ thống giả định và hệ thống cơ sở dữ liệu bài tập phù hợp với năng lực, nhằm tạo cơ hội cho học viên có thể luyện tập kỹ năng nghề nghiệp, xử lý tình huống, ghi nhớ hệ thống đường lăn, sân đỗ,… trong quá trình huấn luyện nhằm tạo nền tảng cho học viên trước khi thực tập tại vị trí làm việc.
Mặc dù, vẫn còn những tồn đọng khó khăn trước mắt cần được hoàn thiện về trang thiết bị, tuy nhiên, với sự nỗ lực của Tổ xây dựng cơ sở dữ liệu từng bước đưa hệ thống Scansim trở thành công cụ đắc lực, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình huấn luyện và đánh giá năng lực kiểm soát viên không lưu một cách chính xác, sát với thực tế hơn.
Người viết bài: Nguyễn Đỗ Thanh Phương