Sân bay quốc tế Đà Nẵng là một sân bay hỗn hợp dùng chung giữa khai thác thương mại Hàng không dân dụng (HKDD) và quân sự. Trước đây, do mật độ bay còn thưa thớt, tần suất bay thấp (khoảng dưới 50 lần chuyến/ngày) nên cơ cấu tổ chức vùng trời gồm 2 cơ quan cung cấp dịch vụ không lưu: Đài kiểm soát tại sân bay Đà Nẵng (TWR DN) và cơ quan kiểm soát tiếp cận Đà Nẵng (APP DN). Khu vực trách nhiệm của TWR DN là vòng tròn bán kính 60Km, tâm là đài VOR/DME DAN đặt tại sân bay. Giới hạn cao từ mặt đất/mặt nước lên đến và bao gồm 9000ft (2750m). TWR DN cung cấp dịch vụ kiểm soát ra đa trong khu vực trung tận (TMA). Khu vực trách nhiệm của APP DN trải dài từ vĩ tuyến 13030’ đến 170 Bắc. Giới hạn cao từ mặt đất/mặt nước lên đến và bao gồm FL245 trừ các khu vực trách nhiệm của các Đài kiểm soát tại sân bay Đà Nẵng, Phú Bài, Chu Lai, Pleiku. APP DN cung cấp dịch vụ kiểm soát ra đa.
Trong những năm gần đây, nền kinh tế đất nước phát triển, giao lưu quốc tế tăng, nhu cầu đi lại đường hàng không cũng tăng theo. Vì thế, tần suất bay tại sân bay Đà Nẵng cũng đã tăng rất cao (trung bình 180 lần chuyến/ngày, cao điểm 220 lần chuyến vào các ngày Lễ, Tết, mùa du lịch). Công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và hoạt động huấn luyện bắn đạn thật diễn ra thường xuyên trên diện rộng của các đơn vị quân sự cũng tăng cao nhằm đảm bảo an ninh Tổ quốc. Chính vì vậy, cường độ làm việc phối hợp hiệp đồng, điều hành bay của KSVKL đã trở nên quá tải.
Thời gian qua, TWR DN cung cấp dịch vụ kiểm soát tại sân và một phần dịch vụ kiểm soát tiếp cận trên cùng một tần số nên tình trạng tắc nghẽn tần số xảy ra thường xuyên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây uy hiếp an toàn bay. Việc phối hợp sử dụng tần số giữa vị trí dẫn dắt ra đa và vị trí chỉ huy cất hạ cánh không thể nhịp nhàng, hiệu quả khi mật độ bay cao, đặc biệt là có hoạt động bay hỗn hợp.
Trước thực tế đó, từ đầu tháng 4/2015, Công ty QLBMT đã kiến nghị với lãnh đạo Tổng công ty về việc điều chỉnh khu vực trách nhiệm cung cấp dịch vụ không lưu tại sân bay Đà Nẵng nhằm nâng cao hơn nữa năng lực điều hành bay, tăng khả năng khai thác vùng trời, tăng chỉ số đảm bảo an toàn. Qua đó tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ không lưu, giảm cường độ làm việc của KSVKL.
Quan tâm đến nhu cầu bức thiết của Công ty QLBMT, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn Tổng công ty hỗ trợ cho Công ty QLBMT. Ban Không lưu hỗ trợ việc hoạch định phân chia phân khu mới phù hợp dựa vào tính chất của nền không lưu, phối hợp ký kết các văn bản hiệp đồng với các đơn vị điều hành bay quân sự, các cơ quan KSKL liên quan. Ban Kỹ thuật hỗ trợ về việc làm thủ tục xin cấp phép tần số và các vấn đề về trang thiết bị kỹ thuật. Ban An toàn-An ninh hỗ trợ về việc đánh giá an toàn, quản lý sự thay đổi quy trình điều hành bay. Trung tâm Thông báo tin tức hàng không thực hiện thủ tục công bố thông tin theo chu kỳ AIRAC. Từ đó các Trung tâm, Phòng chức năng của Công ty đã triển khai các công việc cụ thể trình lãnh đạo Tổng công ty xem xét để báo cáo Cục Hàng không Việt Nam ban hành Quyết định số 325/QĐ-CHK ngày 08/3/2016 về việc điều chỉnh khu vực trách nhiệm cung cấp dịch vụ không lưu tại sân bay Đà Nẵng.
Thực hiện Quyết định 325/QĐ-CHK của Cục Hàng không Việt Nam, trước thời điểm chuyển đổi 03 ngày, lãnh đạo Tổng công ty đã cử đoàn công tác gồm các Ban Không lưu, Kỹ thuật, An toàn-An ninh vào Đà Nẵng kiểm tra công tác sẵn sàng, rà soát tất cả các quy trình, trang thiết bị liên quan. Trước 01 ngày chuyển đổi (ngày 27/4/2016), đồng chí Đinh Việt Thắng- Chủ tịch Hội đồng thành viên và đồng chí Phạm Việt Dũng – Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã trực tiếp vào kiểm tra lần cuối công tác chuẩn bị tại cơ sở.
Đúng 07 giờ 01 phút ngày 28/4/2016 (0001UTC) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc, Công ty Quản lý bay miền Trung đã thực hiện chuyển đổi khai thác thành công việc điều chỉnh khu vực trách nhiệm cung cấp dịch vụ không lưu tại sân bay Đà Nẵng.
Đến 11h00 ngày 28/4/2016 (0400 UTC), công tác cung cấp dịch vụ không lưu, hệ thống các trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay của Công ty Quản lý bay miền Trung đã hoạt động ổn định, chính xác; Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận Tại sân Đà Nẵng đã điều hành tất cả các chuyến bay an toàn theo các phân khu trách nhiệm mới. Đây là thành quả của Công ty Quản lý bay miền Trung nói riêng và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nói chung trong việc nâng cao năng lực khai thác, cung cấp dịch vụ điều hành bay, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành Hàng không Việt Nam.
Trương Công Tuấn – Trưởng Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận Tại sân Đà Nẵng