Hành trình thăm Trường Sa, các đảo và nhà giàn DK1- 21 của Đoàn công tác số 13

986

Khi được nhận thông báo mình có tên trong danh sách được đi thăm Trường Sa, các Đảo và nhà giàn DK1 – 21 , trong tôi vỡ òa niềm sung sướng và hãnh diện bởi với tôi để đến được Trường Sa thì đó không phải là điều dễ dàng mà ai muốn cũng có thể đến được. Tuổi trẻ như chúng tôi đã được tiếp xúc, đã được vinh dự đặt chân lên đảo lớn của Việt Nam. Chúng tôi được tham quan, tìm hiểu về cuộc sống và nhân dân trên đảo. Từ đó nâng cao được ý thức trách nhiệm của mình với biển đảo quê hương.

Bồi hồi xốn xang tàu lướt sóng đưa tôi thăm Trường Sa.

Chuyến hành trình 10 ngày trên biển (21/05/2015 – 30/05/2015) được bắt đầu vào lúc 8h00 ngày 21/05/2015 với điểm xuất phát từ cảng Cát Lái. Đoàn Cục Hàng không do Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Phương làm trưởng đoàn đã thăm, tặng quà các chiến sĩ tại đảo. Tham gia trong chuyến công tác còn có các đoàn đại biểu thuộc Ban dân vận Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ tư lệnh hải quân, các đại biểu ban ngành Tỉnh Phú Yên, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, các phóng viên báo chí.

Hành trình đầu tiên sau 2 ngày trên biển, sáng sớm ngày 23/05, chúng tôi đã đặt chân đến đảo Trường Sa. Được tham dự lễ chào cờ, duyệt binh trên đảo, được nghe 10 lời tuyên thệ danh dự của quân đội nhân dân tại đảo Trường Sa với một không khí trang nghiêm, hào hùng. Và sau khi buổi lễ kết thúc, đoàn công tác được dâng hương tại đài tưởng niệm các hùng liệt sỹ và nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra chúng tôi cũng được chứng kiến 2 chiếc thủy phi cơ của lực lượng Hải quân cất hạ cánh tại đảo. Đoàn công tác của chúng tôi đã thăm, tặng quà cho các chiến sĩ tại Đảo Trường Sa và đảo Đá Lát bao gồm quạt điện, máy tính, các nhu yếu phẩm cần thiết để sinh hoạt. Tối đến là chương trình văn nghệ giao lưu giữa các chiến sĩ Trường Sa và Đoàn công tác, ngoài những tiết mục của đoàn văn công thì các đoàn bạn cũng tham gia giao lưu hát cùng chiến sĩ. Cuộc vui nào cũng có hồi kết thúc, tiễn chúng tôi ra tàu để tiếp tục hành trình là những cái vẫy tay của chiến sĩ và nhân dân trên đảo, những bài hát chia tay giữa lính đảo và đoàn công tác được vang to, những khẩu hiệu “ Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam” hay “ Đất liền luôn hướng về biển đảo thân yêu”… càng chứng tỏ được sức mạnh đoàn kết của dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Ai trong chúng tôi cũng không nén được nỗi xúc động bởi bản thân chúng tôi thấu hiểu rằng cuộc sống ở đảo xa rất khó khăn và thiếu thốn về mọi mặt nhưng không vì thế mà đảo Trường Sa thiếu vắng sức sống, màu xanh và một tinh thần lạc quan chiến thắng.

Thăm và tặng quà các cán bộ, chiến sĩ tại đảo Đá Đông (A,B,C), Phan Vinh, Tiên Nữ, Núi Le, Thuyền Chài, An Bang, Nhà giàn DK1

Tiếp tục cuộc hành trình chúng tôi cập bến đảo Đá Đông (A,B,C), Phan Vinh, Tiên Nữ, Núi Le, Thuyền Chài, An Bang, Nhà giàn DK1. Mỗi đảo chúng tôi đi qua đều có những nét đặc trưng riêng, cảm nhận được sự sống kiên cường mặc dù ở giữa biển khơi, thiếu thốn vật chất như nguồn nước ngọt, lương thực thực phẩm nhưng với bản chất của người lính Cụ Hồ, mỗi chiến sĩ ở đảo đã chung tay góp phần làm cho cuộc sống nơi đảo xa thêm phần phong phú với những vườn rau thanh niên xanh ngát, hay những đàn vịt bơi xung quanh. Đón đoàn công tác chúng tôi là những bạn lính với tuổi đời rất trẻ nhưng lúc nào cũng nở nụ cười trên môi bởi các bạn ấy luôn tự tin vào cuộc đời, luôn thể hiện khí phách tuổi trẻ.

Ấn tượng với tôi đó là đảo An Bang, vì lý do địa hình ở biển nên tại đảo không có chỗ cập bến, vì vậy ở đây được thành lập một đội quân hộ vệ đặc nhiệm. Khi đoàn chúng tôi đến khoảng chừng 20 bạn trẻ đã đón sẵn đợi thuyền ném dây vào và kéo chúng tôi lên bờ. Tại đảo chúng tôi được tham quan ngọn hải đăng thứ 2 trong hành trình, được hát, được tặng quà và giao lưu với các chiến sĩ. Có bạn lính trẻ nói với tôi rằng “ một năm chắc chỉ được 3 đoàn lên đảo vì lý do sóng lớn nên có những đoàn phải hủy bỏ việc tham quan tại đảo”. Cũng vì lý do thời tiết sóng lớn nên chúng tôi được thông báo phải lên thuyền về sớm. Hình ảnh các chiến sĩ đẩy thuyền đưa tiễn chúng tôi về tàu luôn day dứt tôi bởi cuộc sống và môi trường khắc nghiệt tại đảo vẫn không làm cho sức sống và ý chí chiến đấu của các chiến sĩ bị nao núng.

Sáng ngày 30/05, vào lúc 06h00 trên boong tàu chúng tôi đã làm Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh ngã xuống để bảo vệ Biển đảo và Tổ quốc hôm nay. Đồng chí Lê Bá Sổ đã đọc bài diễn văn khiến cho chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Ngay lúc này đây, khi đứng trên boong tàu dõi theo Nhà Giàn DK1 – 21  đang sừng sững, hiên ngang giữa biển thì chúng tôi mới thấu hiểu được rằng để giữ vững được chủ quyền của Tổ quốc thì Nhà giàn đã bị bão thổi đổ không biết bao nhiêu lần. Và trong đó Đồng chí Lê Đức Hồng đã anh dũng hy sinh khi báo tin cho Quân chủng Hải quân về nhà giàn DK1 – Phúc Nguyên sắp bị đổ. Anh đã nằm lại dưới biển khơi nhưng hình ảnh về sự hy sinh quả cảm của anh vẫn luôn được đồng đội, thế hệ sau nhắc tới như một tấm gương sáng trong việc bảo vệ lãnh thổ cũng như chủ quyền biển đảo Việt Nam.

“Trường Sa ơi, mai tàu rời bến
Ta lại về phố thị thân thương”

Người ta thường nói “ Mỗi chuyến hành trình là một trải nghiệm”, với tôi chuyến hành trình 10 ngày trên biển đã để lại trong tôi những bài học và kỷ niệm khó quên. Có thể nói, đại gia đình đoàn công tác số 13 đã luôn gắn bó với nhau, từ những thành viên chưa gặp  nhau lần nào nhưng bây giờ đã thân thiết đến kỳ lạ, hay những câu chuyện đời thường làm cho mọi người hiểu nhau hơn. Có những bạn gái ở trong gia đình được chiều chuộng nhưng khi lên tàu, mặc dù say sóng nhưng lúc nào các bạn cũng vui vẻ với mọi người, giúp đỡ tổ phục vụ bếp nhặt rau, chia cơm, rửa chén và hát hò cho vơi nỗi mệt nhọc. Hay những lần giao lưu văn nghệ giữa các đoàn đã làm cho đoàn tàu bừng sáng giữa mênh mông biển đêm. Để đến khi kết thúc hải trình chúng tôi ai cũng được nhận huy hiệu chiến sĩ Trường Sa với lòng tự hào vui sướng. Quay trở lại với guồng quay của cuộc sống nhưng trong mỗi chúng tôi đều luôn tự nhắc nhở mình phải luôn phấn đấu, phải sống làm sao cho xứng đáng với những gì cha ông ta đã gây dựng nên, bởi chỉ có thế hệ của chúng ta mới bước tiếp truyền thống đó và giữ lửa ý chí, vượt qua trong mọi hoàn cảnh khó khăn để “ Khi Tổ quốc cần , chúng tôi sẵn sàng”./.

Bài viết : Nguyễn Thị Vân Anh
Hình ảnh : Lê Hoàng Nam